Website đang trong quá trình thử nghiệm. Mọi ý kiến đóng góp vui lòng liên hệ.

CÁC BƯỚC CƠ BẢN ĐỂ CÓ MỘT GIỜ DẠY HỌC HIỆU QUẢ


Bạn là giáo viên, bạn có muốn là một giáo viên giỏi, một giáo viên được học sinh yêu quý, thật sự ngưỡng mộ? Có rất nhiều người đi tìm câu trả lời đó, tuy nhiên hầu hết trong số chúng ta không thể tìm được ra câu trả lời bởi sự giới hạn do các tư duy lối mòn đã được hình thành ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời và được củng cố một cách “kiên cố” theo thời gian.
Trong vài năm trở lại đây chúng ta có thể thấy rộ lên các khóa học đào tạo kĩ năng sống của các công ty, tiêu biểu như “Awake your power” của Nguyễn Hữu Trí, “TGM corporation” của Trần Đăng Khoa, “Tâm Việt group” của Tiến sĩ Phan Quốc Việt và Thạc sĩ Nguyễn Huy Hoàng. Nó như luồng “tư duy” mới tràn về Việt Nam, làm chúng ta phải giật mình bởi những tư duy “phản tự nhiên” trong giáo dục đã được truyền đạt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi khóa học với 3 đến 5 ngày hoặc một hai tháng các em có chuyển biến tức thì, rất rõ nét về tư duy. Tuy nhiên phần lớn trong các em sau một thời gian lại bị “cuốn” theo lối tư duy cũ, lối sống cũ. Thật sự chỉ quãng thời gian ngắn như vậy không đủ để đánh đổ lối tư duy cũ của cả một xã hội một cách tức thì. Một câu hỏi đặt ra là “Tại sao mỗi giáo viên chúng ta không lồng ghép nó vào trong giờ dạy học?Biến mỗi giờ học ngoài việc việc giúp cho các em có kiến thức mới còn trở thành một giờ dạy, giờ thực hành về kĩ năng sống có liên quan đến môn học?”. Như vậy những tư duy mới đó liên tục được củng cố, giúp các em thay đổi, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.

Trước khi giới thiệu cách tổ chức một giờ dạy học trên lớp hiệu quả mà chúng tôi đã tiến hành thành công ở trường phổ thông, chúng tôi sẽ nêu ra 7 tư duy lối mòn dẫn tới chúng ta không thể thực hiện một bài lên lớp thành công. Ở đây chúng tôi áp dụng một nguyên tắc rất đơn giản “Trước khi muốn người khác thay đổi thì đầu tiên bạn phải là người cần thay đổi và khi bạn đã thay đổi thì cả thế giới này sẽ thay đổi theo bạn.”

7 tư duy lối mòn cản trở một giờ dạy học thành công

Lối mòn 1: Giờ dạy không thành công là do ý thức học tập của học sinh chưa tốt, các em nói chuyện riêng, không chú ý.
   Nhưng chúng ta quên mất chủ thể điều khiển hoạt động dạy học đó là người thầy. Vì vậy chúng ta cần phải tìm hiểu xem mình đã làm như thế nào, đã có những biện pháp hiệu quả nào để tổ chức giờ dạy. Việc than vãn, phàn nàn như vậy chỉ giúp chúng ta “chối tội”, cảm giác nhẹ nhàng hơn, an toàn hơn do không phải lỗi của mình mà thôi. Tuy nhiên cho dù chúng ta phàn nàn, kể khó, kể khổ như thế nào thì kết quả công việc vẫn vậy, chất lượng dạy học vẫn vậy thậm chí còn đi xuống.
Không chỉ dừng lại ở việc phàn nàn mà chúng ta còn rất hay đòi hỏi, cơ sở vật chất phải như thế này, phải như thế kia. Và đây cũng là “cách” rất khéo, khéo léo đến mức lừa ngay chính bản thân chúng ta, biện hộ cho năng lực làm việc của chúng ta, bao gồm cả khả năng của bản thân và tính tích cực trong công việc.
Vì vậy đó là một thói quen vô cùng nguy hiểm, nó tước đi sức mạnh của chúng ta trong công việc.

Lối mòn 2: Nghĩ “Thành công là để hạnh phúc”. Từ đó thụ động, không tìm thấy động lực để sáng tạo.
Hầu hết trong chúng ta đều “vô tình” có một tư duy “Thành công là để hạnh phúc”, tuy nhiên những người thành công lại luôn làm điều ngược lại là “Hạnh phúc là để thành công”. Ban đầu cũng như bao người khác họ chỉ có bàn tay trắng tuy nhiên họ có thể “cháy” hết mình vì đam mê của mình. Kết quả trong lĩnh vực họ đam mê, họ hạnh phúc vì họ được làm điều mình muốn, họ ngày càng giỏi, ngày càng sâu sắc, nổi trội trong đa số mọi người. Và hiển như mọi điều tốt đẹp sẽ đến với họ. Vâng, đó chính là thành công.
Tại sao với vai trò là một giáo viên, chúng ta không “cháy” hết mình cho việc dạy học?
Đừng đối xử với các em như những những người xa lạ mà hãy yêu thương các em, bao dung các em, tôn trong các em, định hướng, tạo cho các em cơ hội thể hiện mình. Để làm được điều đó thì tại sao chúng ta không nhìn vào ánh mắt khát khao tri thức của các em, không nhìn vào nụ cười hồn nhiên của các em, coi các em như con em mình để tìm nguồn cảm hứng?
Cũng cần lưu ý ở đây tất cả niềm đam mê đó phải trên cơ sở đạo đức, pháp luật cho phép. Vì như vậy nó mới có giá trị, mới có sự đồng thuận của mọi người.

Lối mòn 3: Dẫn dắt vào bài có thể có cũng được, không có cũng được
Về mặt tâm lý, chúng ta sẽ không bao giờ tập trung thậm chí bỏ thời gian ra để nghe ai nói một vấn đề gì mà nó không giải quyết được vấn đề cho bản thân chúng ta, cho xã hội. Tương tự như vậy nếu trong giờ học mà học sinh không biết qua buổi học này giúp các em giải quyết vấn đề gì thì các em sẽ không bao giờ có thể tập trung, hứng thú học tập. Vì vậy trước khi vào bài chúng ta nên dẫn dắt vào bài bằng cách đưa ra những tình huống cụ thể mà thông qua bài học đó các em sẽ giải thích cũng như giải quyết được.

Lối mòn 4: Mình luôn đúng, hoàn hảo trước học sinh nên chỉ có mình đúng còn học sinh có thể đúng hoặc có thể sai. Hoặc luôn coi các em như trẻ con.
 Chính vì nhận thức như vậy mà khi các em trả lời chưa đúng các thầy cô kết luận “sai rồi”, thậm chí các em đang trả lời thì chen ngang hoặc lạnh lùng yêu cầu các em ngồi ngay xuống. Điều đó như một gáo nước lạnh dội vào niềm tin bản vào thân các em. Tại sao chúng ta lại không đợi các em nói xong, nhẹ nhàng hỏi lại các em chỗ các em sai. Nếu các em vẫn chưa phát hiện ra chúng ta nên nhẹ nhàng hỏi thêm ý kiến các em khác để các em tranh luận. Tóm lại khi giao tiếp với các em, chúng ta cần tôn trọng các em, tôn trọng các ý kiến của các em. Hãy tổ chức, định hướng cho các em tranh luận để các em hiểu, chứ tuyệt đối không được áp đặt.

Lối mòn 5: Nội dung kiến thức trình bày phải chính xác. Kết quả dẫn tới những đòi hỏi cứng nhắc.
Có rất nhiều thầy cô khi dạy học sinh, đòi hỏi các em nhớ đầy đủ, chính xác nội dung kiến thức trong vở, trong SGK. Như vậy giáo viên sẽ không tự tin, không thể hiện được nhiệt huyết của mình do không thoát ly được giáo án và dẫn tới giờ học diễn ra nặng nề. Do đó để dạy tốt người giáo viên cần hiểu bản chất vấn đề, sau đó nắm bắt được cấu trúc bài học với các nội dung đại cương. Và khi lên lớp thì tổ chức, phân tích nội dung theo cấu trúc đó với một ngôn ngữ tự nhiên.

Lối mòn 6: Nội dung kiến thức cần phải cung cấp đầy đủ.
Cho đến thời điểm bây giờ còn rất nhiều thầy cô có suy nghĩ này. Họ nghĩ trong 45 phút đó cần phải làm sao cung cấp đầy đủ các nội dung kiến thức của bài trong khi những nội dung đó đã có trong sách. Kết quả thầy ở trên cứ nói cứ đọc, cứ chép những cái đã có trong SGK còn học sinh ở dưới cũng cố gắng làm sao chép cho kịp.
Nhiều giáo viên không để ý nên trong tư duy hiểu không đúng khái niệm “giờ dạy”, “tiết dạy”. Chúng ta cần hiểu đầy đủ khái niệm đó chính là “giờ dạy học”, “tiết dạy học”, tức là giờ dạy các em cách học chứ không chỉ đơn giản là dậy lại các em nội dung kiến thức đã có trong SGK. Cụ thể là không chỉ dạy các em, rèn cho các em kĩ năng tư duy khai thác các nội dung kiến thức trong SGK mà chúng ta cần rèn cho các em kĩ năng tự học và kĩ năng tiếp cận bài học một cách có hiệu quả.
Việc “thương” học sinh như vậy không khác gì so với việc chúng ta dạy cho đứa trẻ tập đi. Nhưng vì sợ trẻ ngã mà chúng ta luôn luôn bên trẻ, giữ trẻ. Kết quả trẻ rất chậm biết đi, trong khi chúng ta cũng rất vất vả phải theo trẻ.
                 
Lối mòn 7: Lấy kiến thức, hiểu biết của mình làm thước đo đánh giá học sinh.
Đây chính là một tư duy, hành động mang tính cảm tính rất dễ mắc phải của người giáo viên. Kết quả là việc chấm điểm, đánh giá, công nhận khả năng của các em chưa được chính xác, khách quan, chưa động viên kịp thời.
Các em mới tiếp cận với kiến thức nên những sai sót xảy ra là chuyện hoàn toàn bình thường, đặc biệt là những vấn đề khó. Đừng vì vậy mà khó khăn trong việc khen ngợi cũng như cho điểm 9, điểm 10.

Tóm lại, người giáo viên là người đầu tiên cần phải thay đổi trước khi muốn các em thay đổi. Chỉ cần vượt qua được 7 rào cản trên, chúng tôi đảm bảo các thầy cô có thể tổ chức một giờ dạy hiệu quả, thu hút được học sinh, giúp các em yêu và quan tâm đến bộ môn
mình hơn.

Tiến trình tổ chức một giờ dạy học hiệu quả.
Thông qua những bài dạy cụ thể của mình, ở đây chúng tôi xin giới thiệu tiến trình tổ chức một giờ dạy học hiệu quả mà chúng tôi đã triển khai để các thầy cô tham khảo, thảo luận.

Bước 1: Chuẩn bị
*Chuẩn bị kiến thức, kĩ năng dạy học
Ngoài việc có sự thay đổi hoàn toàn trong 7 tư duy lối mòn trên và những kĩ năng chúng ta được rèn luyện trong trường sư phạm thì chúng ta cần rèn cho mình khả năng làm chủ cảm xúc, kĩ năng xác định nội dung cần triển khai, khả năng diễn đạt hài hòa giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ cơ thể để cuốn hút học sinh. Bạn có thể tham khảo quyển “Bí quyết thuyết trình của Steve Jobs” của NXB tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh hoặc sách nói “10 bí quyết thành công của những diễn giả MC” , “Đắc nhân tâm” tại http://media.tuoitre.vn/BookDetail.aspx?BookID=218 để mình có một phong thái giảng dạy thật tự tin, thật giàu nhiệt huyết. Ngoải ra trên báo tuổi trẻ online còn có rất nhiều sách nói hay. Hoặc bạn cũng có thể xem các video miễn phí của các diễn giả trên http://youtube.com.
*Xây dựng bản nội quy: Nội quy là một cách ngắn nhất để thầy trò có thể nhanh chóng hiểu nhau, giúp cho quá trình dạy nhanh chóng đi vào nề nếp và hiệu quả hơn. Trong bản nội quy này của chúng tôi có một số quan điểm mới là:
- Chuẩn bị phù hiệu: Phù hiệu ghi tên, nếu trùng tên nhau thì ghi thêm họ hoặc tên đệm hoặc cả hai sao cho giáo viên có thể nhìn rõ khi đứng trên bục giảng. Như chúng ta đã biết, với mỗi người tên của họ là cái họ tự hào, hãnh diện nhất vì vậy nó là yếu tố chúng ta có thể tác động tích cực để tổ chức một giờ dạy hiệu quả. Cả học sinh học yếu cho tới học sinh khá giỏi khi các em ngoan, học tốt, có ý thức chúng ta nêu tên và khen các em sẽ giúp các em thêm tự tin hơn, phấn khởi hơn từ đó các em sẽ tích cực hơn trong giờ học. Ngược lại khi các em mắc lỗi thì tên cũng là cái các em sợ bị nhắc đến tên nhất.

- Soạn bài, chuẩn bị bài ở nhà: Yêu cầu học sinh đọc bài mới trước ở nhà, trả lời các câu hỏi cuối bài và trong bài học. Nếu có thể giáo viên nên soạn thành tập Bài tập theo cấu trúc phục vụ cho giờ dạy. Trong đó có tranh vẽ, bảng biểu, phiếu học tập, sơ đồ để trống để học sinh hoàn thành. Ngoài ra phần cuối chúng ta để trống một khoảng để các em có thể ghi ra những vấn đề còn khó khăn ở bài học để sau đó trao đổi với giáo viên. Để thực hiện có hiệu quả nội dung này, chúng ta nên đưa vào nội dung kiểm đánh giá đầu giờ học. Cụ thể gồm 3 nội dung: Kiểm tra vở soạn, kiểm tra bài cũ, kiểm tra bài mới. Việc kiểm tra bài mới nhằm kiểm tra quá trình các em soạn bài có nghiêm túc, hiệu quả hay không. Trong quá trình giảng dạy chúng tôi thường phân bố thang điểm cho 3 nội dung đó là 4 : 4 : 2.

Bước 2: Tiến trình tổ chức bài học
*Vào lớp: Sau khi vào lớp, ngoài việc học sinh đứng lên chào, ta nên cùng vỗ tay với học sinh, để tạo một tâm lý thoải mái mà không căng thẳng.
*Kiểm tra kiến thức cũ – mới: Gọi học sinh lên bảng trả lời, các học sinh bên dưới nhận xét, bổ sung. Có thể thấy với việc yêu cầu các em về nhà soạn bài, học sinh sẽ được trải nghiệm bài mới 3 lần với những sắc thái khác nhau: Soạn bài, học trên lớp và ôn tập ở nhà trước khi đến lớp. Quá trình lặp lại nhiều lần như vậy sẽ giúp cho học sinh nhớ sâu và chắc kiến thức, không chỉ vậy mà còn phát triển cho các em kĩ năng tự học, tự nghiên cứu tài liệu.
*Đặt vấn đề: Em có biết? Vào bài, cần nêu rõ vai trò cũng như ý nghĩa của bài học. Tốt nhất nếu có thể nên minh họa bằng những ví dụ cụ thể, những số liệu cụ thể, gần gũi và có thể gây “sốc” với học sinh. Ví dụ như trước khi vào bài “Điều khiển sinh sản ở động vật và sinh đẻ có kế hoạch ở người” – Sinh học 11, chúng tôi có phần dẫn dắt vào bài mới như sau:
Đặc điểm
VIỆT NAM
THẾ GIỚI
Dân số
86,7tr
7002,8tr                                               
Tỉ lệ trẻ sinh ra/năm
1tr
134tr
Tỉ lệ tăng thô/năm
0,947tr
87tr
Tỉ lệ trẻ sinh ra/phút


Một ngày cần xây dựng bao nhiêu trường Nguyễn Huệ (Với 1500 học sinh)


Sau khi học sinh tính xong giáo viên hỏi: Có phải chỉ cần xây dựng trường học sinh số lượng người tăng thêm? Vậy còn phải xây thêm gì và nó kéo theo vấn đề gì? Vậy chúng ta phải làm thế nào?

*Tổ chức học bài mới: Khi các em phát biểu cần tuyệt đối tôn trọng các em, không chen ngang, sửa ngang. Sau khi trả lời xong, giáo viên đóng vai trò như trọng tài, gợi mở những chỗ chưa chính xác để các học sinh khác cùng suy nghĩ tìm ra câu trả lời. Để hướng dẫn các em kĩ năng khai thác sử dụng SGK bằng cách thiết kết các bài tập phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh bằng bảng biểu so sánh.
Nếu chúng ta soạn được một quyển Bài tập thì có thể cho các em thảo luận, hoàn thiện phần làm ở nhà. Kết thúc buổi học giáo viên có thể hệ thống hóa kiến thức, làm rõ, khắc sâu ở những vấn đề trọng tâm. Như vậy buổi học diễn ra rất tích cực, học sinh vừa tiếp thu được kiến thức, vừa hình thành được kĩ năng mà áp lực trong một giờ dạy của giáo viên cũng không còn.
Ngoải ra để giáo dục hiệu quả với những học sinh cá biệt trong giờ học, chúng ta có thể chuẩn bị mẫu Biên bản như sau:
TRƯỜNG THPT ……………….
Lớp:…….

BIÊN BẢN HỌC SINH VI PHẠM NỘI QUY TRƯỜNG
VÀ KHÔNG CHẤP HÀNH NỘI QUY CỦA LỚP

Họ và tên:………………………………………………………………
Đã mắc khuyết điểm:…………………………………………………..
…………………………………………………………………………
Trong giờ………… …Tuần ….(Từ……đến………tháng……năm…….)
Lý do:………………………………………………………………….

Ngày … tháng … năm 20…..
                                                                         GV:

Lớp trưởng:
HS vi phạm:


Đây là một căn cứ pháp lý rất quan trọng hỗ trợ cho buổi học hiệu quả.

*Củng cố: Đưa ra các câu hỏi hay và khó được đưa ra lúc giới thiệu qua mục Em có biết, tốt nhất đó là các ứng dụng của nó trong đời sống thực tiễn nhằm khắc sâu kiến thức, đồng thời cho điểm để động viên các em. Tuy nhiên cần cho điểm khách quan, không phải vì các em trả lời đầy đủ mà khó khăn cho các em điểm 9, 10.

*Tổ chức kiểm tra: 15 phút hoặc 45 phút định kì.
Để quá trình kiểm tra đánh giá chính xác, khách quan với những đề tự luận, chúng ta có thể thiết kế một mẫu thông tin như sau:

TRƯỜNG THPT ………………

Họ và tên:……………………… Lớp: ……………………………
KIỂM TRA …………… - NĂM HỌC 20…. - 20
MÔN: …………….
( Thời gian làm bài: …… phút )
Điểm
Lời phê của thầy (cô) giáo




Số bàn:

…... ( .... )
Vị trí trong bàn
Vị trí 1
Vị trí 2
Vị trí 3
Vị trí 4
Vị trí 5

Tên học sinh
(Xét từ trái qua phải)












Với A – Là số thứ tự bàn, bàn gần bàn giáo viên nhất là bàn số 1; B – Tổng số người trong bàn. Tất cả học sinh trong một bàn có cùng một số bàn.
  Khi thu bài, chúng ta nên thu theo bàn như vậy sẽ giúp cho chúng ta hạn chế được việc học sinh nhìn bài, chép bài của nhau, đảm bảo tính khách quan, công bằng giữa các học sinh.

Như vậy để có một giờ dạy học tốt chúng ta cần vượt qua những rào cản là các tư duy lối mòn. Tự trang bị cho mình các kiến thức cơ bản về tâm lý lứa tuổi, trao đổi học hỏi đồng nghiệp và không ngừng rèn luyện mình qua từng bài dạy cụ thể chắc chắn chúng ta sẽ có được những giờ dạy chất lượng, được học sinh tin yêu.

Tag:

Bạn Đã Xem Chưa ?