Website đang trong quá trình thử nghiệm. Mọi ý kiến đóng góp vui lòng liên hệ.

Giáo sư trẻ nhất Việt Nam: Tôi còn phải cố gắng nhiều hơn nữa!

Tân Giáo sư Nguyễn Quang Diệu (37 tuổi) là người trẻ nhất trong số 34 nhà giáo trở thành Giáo sư từ năm 2011. Điều đặc biệt nhất, năm 2007, anh cũng là Phó giáo sư trẻ nhất trong đợt phong hàm.
 >>  Trò chuyện với Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2011
Hiện nay Tân Giáo sư Nguyễn Quang Diệu là Phó chủ nhiệm bộ môn Lý thuyết hàm, khoa Toán - Tin, trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Do đang công tác ở viện nghiên cứu Max-Planck, CHLB Đức nên anh không kịp về dự lễ công nhận chức danh GS, PGS năm 2011 tổ chức vào ngày 12/11 tới tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Dân trí đã có cuộc trò chuyện với anh.

GS trẻ nhất Việt Nam năm 2011 Nguyễn Quang Diệu.
Được biết, anh là một trong hai phó giáo sư trẻ nhất năm 2007, năm nay, anh lại được phong là giáo sư trẻ nhất. Vậy khi trở thành GS trẻ nhất Việt Nam anh có bất ngờ không?
Tôi không khỏi bất ngờ và sung sướng khi biết được tin trên. Tôi chỉ biết tự nhủ mình phải thật cố gắng nhiều hơn nữa trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học để luôn xứng đáng với học hàm này.
Để thành công trên con đường làm toán nhiều người nổi tiếng đã chia sẻ đó là duyên phận. Với anh thế nào?
Tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghiên cứu khoa học (bố là GS. Toán của trường ĐH Sư phạm Hà Nội), ngay từ nhỏ tôi đã yêu thích ngành toán.
Tuy nhiên tôi chỉ thực sự bắt tay vào nghiên cứu toán học cao cấp vào những năm cuối khi tôi học ở khoa Toán - Cơ - Tin học trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội). Sau đó tôi có may mắn sang Pháp làm luận án Tiến sĩ dưới sự đồng hướng dẫn của GS. Đỗ Đức Thái (ĐHSPHN) và GS. Pascal Thomas (ĐHTH Toulouse 3). Tôi nói đó là một cơ may vì vào thời điểm đó (năm 1997) việc xin học bổng đi nước ngoài trong cả 3 năm là không dễ.
Anh có thể bật mí chút về con đường nghiên cứu khoa học của mình?
Tôi bắt đầu làm luận án TS toán học tại trường Đại học Toulouse 3 (cộng hòa Pháp). Vào tháng 6 năm 2000, tôi bảo vệ thành công luận án TS chuyên ngành giải tích phức về đề tài “Bao lồi đa thức địa phương của hợp thành các đồ thị hoàn toàn thực” tại Đại học Toulouse 3. Tháng 8/2001, tôi trở về Việt Nam và nhận công tác tại khoa Toán - Tin, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2003, tôi được mời làm thực tập sinh sau tiến sỹ tại trường ĐH Sundsvall, Thụy Điển. Tại đây, tôi đã chuyển sang nghiên cứu lý thuyết đa thế vị phức.
Vào tháng 11/2006, bằng các công trình trong hướng nghiên cứu này, tôi đã bảo vệ luận án Habilitation Diriger des Recherches tại Đại Học Toulouse 3. Sau đó, tôi đã được bổ nhiệm làm PGS. của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vào cuối năm 2007. Từ tháng 9/2007 đến tháng 8/2009, tôi được mời đi làm cộng tác viên khoa học tại trường ĐH Quốc gia Seoul và ĐH Quốc gia Chonnam (Hàn Quốc). Tại các trung tâm này, tôi đã chuyển sang nghiên cứu lý thuyết toán tử và giải phương trình d ngang với đánh giá.

GS Nguyễn Quang Diệu cùng vợ và con.
Các sản phẩm nghiên cứu của anh hiện được đánh giá thế nào?
Bắt đầu từ công trình của Halmos và Brown vào năm 1965 về toán tử Toeplitz trên không gian Bergman các hàm chỉnh hình trên đĩa đơn vị, những vấn đề về toán tử Toeplitz và toán tử hợp thành giữa các không gian hàm chỉnh hình đã được nhiều nhà toán học trên thế giới, đặc biệt là ở Nhật Bản, Hàn Quốc hay Mỹ nghiên cứu. Tuy nhiên lý thuyết toán tử giữa các không gian hàm còn rất mới mẻ đối với toán học trong nước. Trong thời gian làm thực tập sinh tại Hàn Quốc, tôi đã có cơ hội tiếp cận với hương nghiên cứu mới này và đã hoàn thoàn một số công trình chẳng hạn như về cấu trúc của toán tử Toeplitz trên miền tùy ý trong mặt phẳng hay là tính các giá trị riêng của toán tử hợp thành có trọng trên không gian Bloch suy rộng. Bên cạnh đó, tôi cũng tiếp tục phát triển các hướng nghiên cứu truyền thống của bộ môn như lý thuyết đa thế vị và giải tích phức nhiều biến. Tính sáng tạo trong những công trình của mình là ở chỗ tôi luôn cố gắng vận dụng những kiến thức cổ điển đã biết vào việc nghiên cứu, giải quyết những bài toán thời sự.
Các công trình khoa học này đã được dùng để hướng dẫn nhiều học viên thạc sĩ. Đồng thời một số bài toán mở trong những hướng nghiên cứu kể trên đã được tôi đề xuất cho 2 nghiên cứu sinh của mình.
Các công trình nghiên cứu của tôi hiện nay đang ở mức tiếp cận mặt bằng chung của toán học hiện đại. Trong thời gian tới, cùng với các cộng sự trong bộ môn, tôi sẽ cố gắng giải quyết triệt để một số bài toán mở của lý thuyết toán tử và phương trình Monge-Ampere.
Nhờ vào các công trình nghiên cứu khoa học của mình mà tôi đã được mời đọc báo cáo tại một số hội thảo và được mời đi cộng tác tại một số trường đại học hay viện nghiên cứu chẳng hạn ĐH Phúc Đán (Trung Quốc) 11/2009, ĐH Niigata (Nhật Bản) (6/2009 và 1/2011), ĐH Toulouse (CH Pháp) (5/2011), Viện Max Planck (CHLB Đức) (11/2011)”.
Là nhà khoa học trẻ, anh suy nghĩ thế nào về nền giáo dục Việt Nam hiện nay? Đặc biệt với ngành Toán học?
Chúng ta đều biết hiện nay giáo dục Việt Nam đang gặp phải nhiều bài toán nan giải. Riêng với Toán học tôi thấy gần đây chính phủ đã có những đầu tư đáng kể chẳng hạn như thành lập Viện Toán học cao cấp, tài trợ cho quĩ nghiên cứu cơ bản quốc gia (NAFOSTED)… Những động thái này đã và đang khích lệ những bạn trẻ như tôi nghiên cứu khoa học
Anh có lời khuyên gì với giới trẻ hiện nay?
Biết cảm nhận được “sở trường” của bản thân là gì và đầu tư hết mình vào đó. Chắc chắn có ngày sẽ thành công.
Xin trân trọng cảm ơn anh!

Tân Giáo sư Nguyễn Quang Diệu sinh ngày 17/7/1974, hiện công tác tại Khoa Toán-Tin, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Anh đã xuất bản 35 bài báo khoa học. Trong số đó có 4 bài báo đăng ở các tạp chí quốc gia và 30 bài đăng ở các tạp chí quốc tế nằm trong danh mục SCI và SCIE.
Những bài toán mà anh nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của giải tích phức nhiều biến và lý thuyết đa thế vị như: Bao lồi đa thức, toán tử Monge-Ampere, phương trình d ngang với đánh giá, toán tử giữa các không gian hàm. Đây là những hướng nghiên đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà toán học quốc tế.
Dưới đây là 5 công trình tiêu biểu được anh viết trong những năm gần đây:
Jensen measures and unbounded B-regular domains , Annales Inst. Fourier 2008; Toeplitz operators on bounded domain in C, Proceedings of American Math. Soc. 2011; d-bar equations with Donnely-Feferfemann estimates, Osaka Journal of Math., 2009; Local polynomial convexity of graphs, Michigan Math. Journal, 2009; Peron-Bremermann envelopes on bounded domains, International Journal of Math., 2007.
Đây là các công trình được xuất bản tại các tạp chí có uy tín ở Pháp, Mỹ và Nhật Bản.

Hồng Hạnh (thực hiện)-dantri.com.vn

Tag: , ,

Bạn Đã Xem Chưa ?